Tấm Card visit đặc biệt của Phó Chủ tịch tỉnh Đắk Nông

Như đã hẹn, buổi sáng cuối tuần một ngày tháng 5 nắng như lửa đốt, ông Lê Trọng Yên – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông trong bộ trang phục giản đơn cùng chúng tôi lên đò vượt dòng Sêrêpốk để sang bên kia sông thăm vườn cây trái của nông dân xã Buôn Choah, huyện Krông Nô (Đắk Nông).

Ông Yên cho hay, ông thường đi cơ sở vào những ngày cuối tuần để nắm tình hình trồng trọt, chăn nuôi của bà con… Với ông, đây cũng là nhiệm vụ của cán bộ, lãnh đạo, nhất là người quản lý lĩnh vực nông nghiệp.

Chỉ tay về phía cánh đồng mà người dân đã phải lấy sức người dời đá để gieo những hạt mầm, ông Yên chia sẻ: Do diện tích đất thịt sát bờ sông Krông Nô rất ít nên người dân phải trồng thêm hoa màu giữa những “cánh đồng đá”. Sau những cơn mưa đầu mùa, bà con dùng cọc tre đã được vuốt nhọn đầu, chọc vào những khe đá để gieo từng hạt đậu, hạt bắp…

“Nhờ sự cần cù, chịu thương chịu khó của bà con nông dân mà “cánh đồng đá” dưới chân núi lửa đã trở nên phì nhiêu, minh chứng cho câu nói “có sức người, sỏi đá cũng thành cơm”.

Con đò từ từ tiến vào bờ, đập vào mắt chúng tôi là cánh đồng lúa Buôn Choah lớn nhất Đắk Nông, phía xa là nương ngô xanh mướt và những vạt xanh cao lớn hơn chạy dài theo chân núi lửa dài nhất Đông Nam Á là những vườn cây ăn trái.

Vừa đi, ông Lê Trọng Yên chia sẻ những câu hỏi của PV Dân Việt xoay quanh tiềm năng, thế mạnh cũng như những khó khăn của nền nông nghiệp tỉnh nhà.

Thưa ông, xin ông cho biết tiềm năng, thế mạnh mà thiên nhiên ban tặng cho ngành nông nghiệp Đắk Nông?

Nông nghiệp Đắk Nông phải có những sản phẩm đặc trưng, đặc sản để tạo nên sự khác biệt với các tỉnh Tây Nguyên nói riêng, cả nước nói chung mới cạnh tranh được với thị trường, thị hiếu của người tiêu dùng…

Đắk Nông có điều kiện đất đai màu mỡ, chủ yếu là đất đỏ bazan trên nền đá bazan phong hóa, chiếm khoảng 58% diện tích tự nhiên; khí hậu mát mẻ, với 2 mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa khô; nhiệt độ trung bình năm 22 – 23 độ C; lượng mưa trung bình năm từ 2.200-2.400 mm; hệ thống sông, suối trên địa bàn tỉnh khá phong phú, phân bố tương đối rộng khắp và là phần thượng nguồn của các sông chính chảy qua địa bàn tỉnh, gồm: Sông Sêrêpôk, hệ thống suối đầu nguồn sông Đồng Nai; trên 200 hồ chứa nước…. đây chính là tiềm năng, lợi thế được thiên nhiên ban tặng để Đắk Nông phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu, gắn với thị trường.

Nguồn đất phì nhiêu dưới chân núi lửa trở thành “báu vật” của địa phương

Đặc biệt, Đắk Nông còn có hệ thống hang động núi lửa dài nhất Đông Nam Á. Quá trình phun trào của núi lửa để lại một lớp bột tro dày đặc, các bọt đá (puzơlan) và đá núi lửa. Bọt đá núi lửa và đá núi lửa rất giàu các khoáng chất thiên nhiên, đặc biệt là các nguyên tố trung lượng, vi lượng và siêu vi lượng. Trải qua hàng ngàn năm, các khối đá núi lửa này mới bị bể vụn ra, phong hoá do tác động của thời tiết tạo thành một lớp đất mặt hết sức màu mỡ, nhiều khoáng chất.

Chính điều này đã biến nguồn đất phì nhiêu dưới chân núi lửa trở thành “báu vật” chỉ có ở địa phương. Việc phát triển các sản phẩm nông nghiệp tại các vùng đất trên ngoài việc cho năng xuất, chất lượng cao, tạo ra các sản phẩm nông sản đặc trưng của vùng đệm xung quanh hệ thống núi lửa mà còn góp phần xây dựng cảnh quan sinh thái, cung cấp nhu yếu phẩm tại chỗ phục vụ cho dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng tại hệ thống núi lửa hay công viên địa chất toàn cầu tại tỉnh Đắk Nông.

Thực tế cho thấy, thời gian qua nhiều mô hình, sản phẩm nông nghiệp được trồng tại các khu vực này cho chất lượng rất đặc trưng, đang từng bước hình thành thương hiệu nông sản của tỉnh như bơ núi lửa, cam Quảng Phú, cà phê đặc sản tại xã Thuận An, lúa gạo Buôn Choah, sầu riêng Đức Mạnh…

Ông Lê Trọng Yên – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông (mũ cối) thăm mô hình trồng vải u hồng của gia đình chị Hoàng Thị Thu Hương (xã Đắk Đrô, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) 

Tỉnh đã khai thác những tiềm năng thế mạnh trên như thế nào, thưa ông?

– Toàn tỉnh có hơn 380.000 ha đất sản xuất nông nghiệp, chiếm 58,5% diện tích tự nhiên. Với lợi thế đất đai, khí hậu phù hợp với nhiều loại cây trồng, thích hợp cho việc phát triển các loại cây công nghiệp, cây ăn quả … Do đó, những năm vừa qua, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh đã xây dựng, ban hành các nghị quyết quan trọng để phát triển ngành nông nghiệp bền vững.

Hiện Đắk Nông đã định hình và phát triển được 23 sản phẩm chủ lực, ngành hàng thế mạnh, ngành hàng tiềm năng. Trong đó, 4 sản phẩm chủ lực cấp tỉnh (cà phê, hồ tiêu, điều và cao su), 3 sản phẩm tiềm năng (bò thịt, cây dược liệu và mắc ca) và 16 sản phẩm chủ lực địa phương (lúa, ngô, khoai lang, sắn, đậu tương, đậu lạc, sầu riêng, bơ, cây ăn quả có múi, mít, xoài, chanh dây, heo thịt, gà vịt, cá nước ngọt và gỗ nguyên liệu rừng trồng).

Ông Lê Trọng Yên – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông (mũ cối) thăm mô hình trồng vải u hồng của gia đình chị Hoàng Thị Thu Hương (xã Đắk Đrô, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông)

Từ những “bước đệm” đó nền nông nghiệp Đắk Nông đã đạt được những thành tựu nổi bật nào thưa ông?

– Tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp có chiều hướng ngày càng tăng: Giai đoạn 2021-2023 tăng bình quân ước đạt 4,72%. Riêng năm 2022, tổng giá trị sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy sản theo giá hiện hành đạt trên 15.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 37,64%; với tốc độ tăng trưởng khá, đạt 5,21% và giữ vai trò là 1 trong 3 trụ cột của nền kinh tế của tỉnh.

Cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh cũng đang dịch chuyển theo hướng tích cực giảm về tỷ trọng, tăng về giá trị. Sản xuất nông nghiệp đang chuyển theo hướng chất lượng, liên kết gắn với thị trường thông qua việc cơ cấu lại ngành; ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao, tiêu chuẩn chất lượng trong các khâu sản xuất, thu hoạch và chế biến nhằm nâng cao giá trị gia tăng…

Đặc biệt nhất là toàn tỉnh hiện nay có 60 sản phẩm OCOP được công nhận. Địa phương đang hình thành 1 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với quy mô 120 ha và công nhận 4 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với quy mô hơn 2.400 ha; xây dựng được 15 thương hiệu, nhãn hiệu tập thể và 1 chỉ dẫn địa lý “Đắk Nông” đối với sản phẩm hồ tiêu của tỉnh; một số sản phẩm đã có thương hiệu, chất lượng được đánh giá cao như: cà phê Đức Lập, lúa gạo Buôn Choáh, hạt tiêu Đắk Song.

Từ nền tảng nông nghiệp, hiện toàn tỉnh có 35/60 xã đạt nông thôn mới, bình quân mỗi xã đạt trên 15 tiêu chí. Trong đó, riêng TP.Gia Nghĩa đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2020. Diện mạo và kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn thay đổi rõ rệt, đời sống, thu nhập người dân từng bước được cải thiện…

Hiện Đắk Nông đã định hình và phát triển được 23 sản phẩm chủ lực, ngành hàng thế mạnh, ngành hàng tiềm năng, toàn tỉnh có 60 sản phẩm OCOP được công nhận.

Bên cạnh những thành tựu, nông nghiệp Đắk Nông chắc hẳn cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn. Là người phụ trách lĩnh vực này của tỉnh, ông có những trăn trở gì về thực trạng của nông nghiệp tỉnh nhà?

– Tôi có cơ duyên gắn bó với ngành nông nghiệp đã lâu. Bản thân tôi tốt nghiệp ngành Quản lý ruộng đất, Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam thuộc Bộ NNPTNT), theo học Thạc sĩ Nông nghiệp rồi Tiến sĩ Quản lý đất đai.

Tôi cũng được rèn giũa từ thực tiễn khi được kinh qua nhiều vị trí công tác liên quan đến nông nghiệp. Gắn bó với nông  nghiệp tỉnh Đắk Nông nhiều năm, tôi nhận thấy kinh tế nông nghiệp vẫn là chủ đạo của tỉnh, với trên 83% là nông dân và 83% sống nhờ nông nghiệp.

Tuy nhiên, sau gần 20 năm thành lập tỉnh, Đắk Nông vẫn chưa có một cơ sở cây giống bảo đảm quy mô, chất lượng. Ngoài ra, tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất vẫn còn nhiều. Hiện nay, nền sản xuất nông nghiệp của tỉnh vẫn đang đối mặt với bài toán “được mùa mất giá, được giá mất mùa”.

Do đó vấn đề đặt ra là làm sao để nông nghiệp phát triển bền vững, đời sống bà con được ấm no. Nghị quyết số 19 ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã định hướng “Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”.

Nông nghiệp của Đắk Nông phải đặc trưng và có sự khác biệt đối với các tỉnh trong Tây Nguyên, gắn với công viên địa chất toàn cầu, lợi thế khai thác Bô xit đã hoàn thổ phát triển kinh tế rừng, văn hóa du lịch và bản sắc văn hóa nông nghiệp, sản phẩm CCOP.

Muốn bền vững thì xây dựng vùng nguyên liệu đáp ứng cung cầu, thị hiếu người tiêu dùng, thị trường. Mà để làm được điều đó thì chúng ta phải thay đổi từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; phát triển nông nghiệp tuần hoàn, đa dụng… đảm bảo môi trường, sinh kế của người dân và an sinh xóa đói giảm nghèo, xây dựng chuỗi giá trị, phát triển theo ngành gắn với các chương trình mục tiêu quốc gia, giảm nghèo, chương trình nông thôn mới, phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc để làm sao giảm tối thiểu tỷ lệ hộ nghèo…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Lê Trọng Yên không ngần ngại in thông tin của các sản phẩm OCOP lên Card visit của mình để quảng bá cho sản phẩm nông nghiệp tỉnh nhà.

Coi nông nghiệp là một trong những trụ cột và có rất nhiều sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng nhưng làm thế nào để quảng bá, đưa nông sản ra thị trường lại là một bài toán khó không chỉ của Đắk Nông? Với cương vị là lãnh đạo tỉnh ông đã “kề vai sát cánh” với bà con như thế nào trong việc này thưa ông?

– Như nhà báo nói, tỉnh có nhiều thế mạnh nhưng tình hình chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông, lâm sản còn rất hạn chế, sản phẩm nông sản mới chủ yếu qua sơ chế, chế biến thô, giá trị gia tăng thấp… Để hỗ trợ bà con nông dân đưa các sản phẩm nông sản ra thị trường, với vai trò là lãnh đạo UBND tỉnh trực tiếp theo dõi chỉ đạo lĩnh vực nông nghiệp, thời gian qua, tôi đã chỉ đạo các cấp, các ngành hỗ trợ cho các hợp tác xã, trang trại, nhà vườn kết nối với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để thúc đẩy tiêu thụ nông sản.

Ngoài các kênh bán hàng truyền thống, đã kết nối một số doanh nghiệp lớn đến khảo sát, thu mua và đưa nông sản của Đắk Nông tiêu thụ tại các hệ thống siêu thị và xuất khẩu. Bên cạnh đó, còn hỗ trợ quảng bá sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng. Về liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản có 64 liên kết thuộc 8 ngành hàng với 9.563 hộ tham gia, chiếm khoảng 10% giá trị sản xuất toàn ngành.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đẩy mạnh chuyển đổi số nông nghiệp, số hóa hệ thống cơ sở dữ liệu, nâng cấp hệ thống thông tin thị trường nông sản, quản lý mã số vùng trồng để cung cấp thông tin, thị trường nông sản kịp thời…

Có phải vì mục tiêu quảng bá sản phẩm cho nông dân mà ông đã không ngần ngại in địa chỉ liên hệ của nhiều sản phẩm nông nghiệp điển hình của tỉnh phía sau Card visit của mình không?

– Đúng vậy, tất cả những sản phẩm mà tôi in trên Card visit của mình đều là những sản phẩm đặc trưng của tỉnh, đã đạt chứng nhận OCOP. Đó cũng chính là niềm tự hào của tôi với nền nông nghiệp tỉnh nhà. Bản thân là lãnh đạo tỉnh, tôi nghĩ mình cần làm một điều gì đó gì nhỏ bé cũng được để góp phần quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp của tỉnh nhà đến nhiều người.

Tôi nghĩ, mỗi cán bộ, lãnh đạo, đảng viên chính là một đại sứ trong việc quảng bá, kết nối đưa sản phẩm của tỉnh đi muôn nơi. Và cán bộ, lãnh đạo ngành nông nghiệp thì càng phải tiên phong hành động hơn nhiều hơn và mạnh hơn. 

Bản thân tôi còn đang nghiên cứu xây dựng, gắn mã vạch của 60 sản phẩm OCOP lên Card visit, để khi đi gặp đối tác, khách hàng có thể giới thiệu cho họ một cách kỹ càng hơn. Khi họ muốn tìm hiểu, chỉ cần quét mã vạch sẽ hiện thị đầy đủ thông tin của 60 sản phẩm mà tỉnh muốn quảng bá.

 Macca đã trở thành 3 sản phẩm tiềm năng, biến Đắk Nông thành thủ phủ của “nữ hoàng” các loại hạt

Sự trăn trở với nông nghiệp có phải là động lực khiến trước đó ông quyết định chọn đề tài nghiên cứu khoa học về cây mắc ca trên đất dốc ở Tuy Đức (Đắk Nông) không, thưa ông?

– Loại cây này cho thu 2 vụ, năng suất, giá thành cao. Tuy nhiên, mắc ca là cây trồng mới, nhất là trên địa bàn Đắk Nông loại cây này mới được trồng rải rác, tự phát. Và Tuy Đức là địa bàn có thổ nhưỡng và khí hậu phù hợp với loại cây trồng này.

Thời điểm tôi bắt tay thực hiện đề tài (năm 2015), các thông tin về quy trình trồng, chăm sóc loại cây trên chưa có nhiều. Do đó, tôi nhận thấy, cần phải thực hiện đề tài nghiên cứu để đánh giá một cách bài bản, toàn diện về cây mắc ca. Quá trình thực hiện, có nhiều luồng thông tin liên quan đến tính khả thi của loại cây mới này. Tuy nhiên, tôi quan niệm, để có đánh giá một cách chính xác thì phải bắt đầu thực tiễn.

Theo dõi quá trình sinh trưởng của cây, tôi nhận thấy mắc ca khá hợp với vùng đất Bazan, dễ chăm sóc, ít tốn nhân công lao động, đặc biệt, đây là loại cây đa mục đích, vừa tạo độ che phủ, vừa mang lại hiệu quả kinh tế, đảm bảo được môi trường…

Theo tôi, để trồng mắc ca thành công, khâu chọn giống rất quan trọng, đây là yếu tố then chốt. Thực tế, có một số trường hợp trồng mắc ca nhưng không ra trái hoặc ra trái rất ít, có nguyên nhân từ việc chọn giống không chuẩn, không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Do đó, quy trình trồng mắc ca phải được thống nhất, bài bản ngay từ khâu chọn giống đến kỹ thuật trồng (cây rễ cọc nên kỹ thuật trồng làm sao để hạn chế bị gió, bật gốc); tán rộng nên kỹ thuật, bấm ngọn…

Đắk Nông định hướng phát triển diện tích trồng mắc ca giai đoạn 2022 – 2025 đạt 6.506 ha; đến năm 2030 đạt khoảng 10.923 ha và tiềm năng phát triển đến năm 2050 đạt khoảng 13.105 ha.

Hiện nay, mắc ca đã trở thành 3 sản phẩm tiềm năng, biến Đắk Nông thành thủ phủ của “nữ hoàng” các loại hạt. Vậy ông đánh giá thế nào về tương lai của hạt mắc ca Đắk Nông?

– Tỉnh Đắk Nông là một trong những địa phương có điều kiện khí hậu phù hợp để phát triển cây mắc ca, được Bộ Nông nghiệp và PTNT đưa vào Đề án “Phát triển bền vững mắc ca giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ” (Quyết định số 344/QĐ-TTg ngày 15/3/2022); tạo cơ hội thuận lợi để các tổ chức, nhà khoa học, các thành phần kinh tế quan tâm, hỗ trợ địa phương triển khai các đề tài, dự án nghiên cứu giống; chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế và chế biến sản phẩm mắc ca…

Giá trị sản phẩm hạt mắc ca trên thị trường trong nước và quốc tế trong thời gian qua luôn được duy trì ở mức cao, thành phẩm chế biến đa dạng, nhu cầu thị trường tiêu thụ lớn; bên cạnh đó, mắc ca phù hợp với phương thức trồng xen canh trên diện tích cây cà phê (là loài cây trồng chính của tỉnh), có hiệu quả đa chiều về cả mặt kinh tế và môi trường; đây là các yếu tố tích cực tác động đến sự lựa chọn đầu tư trồng mắc ca của người dân.

Trong những năm qua, diện tích trồng mắc ca trên địa bàn tỉnh có xu hướng tăng, đến nay, trên địa bàn tỉnh có tổng 3.473 ha mắc ca; diện tích cho thu hoạch toàn tỉnh: 470 ha, năng suất bình quân: 5,69 tạ/ha; sản lượng ước đạt 267,57 tấn. 

Để phát triển loại cây này, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Phát triển bền vững mắc ca giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ” trên địa bàn tỉnh Đắk Nông (Quyết định số 1640/QĐ-UBND ngày 10/10/2022), trong đó, định hướng phát triển diện tích trồng mắc ca giai đoạn 2022 – 2025 đạt 6.506 ha; đến năm 2030 đạt khoảng 10.923 ha và tiềm năng phát triển đến năm 2050 đạt khoảng 13.105 ha.

Tỉnh cũng sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ phát triển mắc ca cả về chiều rộng và chiều sâu; đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động và tăng cường năng lực cho hợp tác xã, tổ hợp tác. Khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp liên kết với nông dân sản xuất mắc ca, hoặc thông qua cầu nối hợp tác xã và tổ hợp tác theo hình thức liên kết hoặc góp vốn bằng quyền sử dụng đất để hình thành vùng trồng thâm canh mắc ca tập trung.

Bên cạnh đó, tỉnh sẽ triển khai Chương trình hợp tác phát triển cây mắc ca giữa UBND tỉnh Đắk Nông với Hiệp hội Mắc ca Việt Nam; phát huy vai trò của Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, là cầu nối gắn kết chặt chẽ giữa các hộ dân và doanh nghiệp trong phát triển sản xuất mắc ca theo chuỗi giá trị; hỗ trợ vay vốn, cung ứng dịch vụ giống và phân bón, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển mắc ca hiệu quả, bền vững…

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Theo Báo Dân việt (https://danviet.vn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.