Ngành Khoa học Đất – ngành học quan trọng cho sự phát triển bền vững nông nghiệp và quản lý hiệu quả tài nguyên môi trường.

Nhà Khoa học đất (Soil scientist) là gì?

Nhà Khoa học đất là người có đủ trình độ để đánh giá và hiểu rõ về đất và các dữ liệu liên quan đến đất nhằm mục đích nắm vững tài nguyên đất vì chúng đóng góp không chỉ cho sản xuất nông nghiệp mà còn ảnh hưởng đến chất lượng môi trường và khi chúng được quản lý để bảo vệ sức khỏe con người và môi trường. Bằng đại học Khoa học đất bao gồm đầy đủ các học phần liên quan đến đất để Nhà khoa học đất có mức độ hiểu biết sâu về môi trường đất bao gồm hình thái đất và các yếu tố hình thành đất; hóa học đất, vật lý đất; sinh học đất; phân tích đất, nước và một số học phần khác liên quan đến đất, sử dụng, quản lý đất, quản lý môi trường và công nghệ.

Nhà Khoa học đất làm gì?

Các nhà Khoa học đất tham gia vào nhiều hoạt động chuyên môn khác nhau liên quan đến các ứng dụng trực tiếp kiến thức Khoa học đất. Thông thường, các lĩnh vực hoạt động bao gồm:

Nghiên cứu hệ thống đất và quản lý đất của các cơ quan nghiên cứu công hoặc tư để nâng cao kiến thức về đất.

Điều tra, đánh giá đất để xác định tiềm năng đất phục vụ quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp hoặc cải tạo đất nâng cao độ phì nhiêu, khả năng sản xuất của đất. Quản lý đất cho mục đích nông nghiệp, lâm nghiệp. Quản lý bao gồm điều chỉnh lượng dinh dưỡng và nước cần thiết cho cây trồng.

Điều tra, đánh giá đất cho quản lý tài nguyên thiên nhiên, bao gồm đất rừng, đất ngập nước, đánh giá nguy cơ môi trường, đánh giá sinh thái,…

Quản lý đất để cải thiện đất, cải tạo và phục hồi đất sau khai thác mỏ.

Điều tra và đánh giá đất do bón các chất thải dưới nhiều hình thức, bao gồm cả chất thải của các quá trình không nguy hại (quản lý cặn và bùn) và kỹ thuật khác biệt. Các nghiên cứu về tính phù hợp cho nhiều mục đích sử dụng đất khác nhau, bao gồm tính ổn định của đất, khả năng giữ ẩm hoặc tiêu thoát nước, tính bền vững và tác động môi trường. Đánh giá và điều tra các mối nguy môi trường, bao gồm cả các vị trí chất thải nguy hại liên quan đến kỹ thuật điều tra đất, đánh giá hậu quả hóa học, các hiện tượng vận chuyển và đề xuất các giải pháp thay thế khắc phục phù hợp.

Cơ hội việc làm cho sinh viên tốt nghiệp ngành Khoa học đất

Sinh viên tốt nghiệp ngành Khoa học đất có thể làm việc tại các vị trí:

Cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước như: Bộ/Sở/Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ/Sở/Phòng Tài nguyên và Môi trường, …

Giảng viên, nghiên cứu viên tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, các viện trung tâm và trạm/trại thí nghiệm nghiên cứu trong lĩnh vực đất đai, dinh dưỡng cây trồng và trồng trọt.

Cán bộ kỹ thuật, kinh doanh làm việc trong các doanh nghiệp, trung tâm, viện như: công ty kinh doanh và sản xuất phân bón, công ty về môi trường, viện nghiên cứu chuyên ngành thổ nhưỡng, khoa học đất, phòng phân tích đất và môi trường.

Làm chủ doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGap, GlobGap, nông nghiệp hữu cơ; doanh nghiệp sản xuất phân bón cho cây trồng,…

Ngoài ra, sau khi tốt nghiệp ngành Khoa học đất nếu người học có nhu cầu đào tạo bậc cao (thạc sỹ, tiến sỹ) ngành Khoa học đất hoặc các ngành liên quan: Quản lý đất đai, Kỹ thuật tài nguyên nước, Khoa học môi trường, sinh viên có thể tiếp tục học tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam hoặc tại các trường đại học của các nước phát triển (Mỹ, Canada, Nhật, châu Âu, …).

Học viện Nông nghiệp Việt Nam là địa chỉ tin cậy đào tạo ngành Khoa học đất

Chương trình đào tạo ngành Khoa học đất tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam bao gồm các mảng kiến thức: Đại cương, cơ sở ngành và chuyên ngành trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản về đánh giá các đặc tính lý, hoá, sinh học của đất; đánh giá  quá trình phát sinh, chuyển hóa trong đất và mối quan hệ đất – nước – dinh dưỡng – cây trồng; đề xuất các giải pháp sử dụng, bảo vệ tài nguyên đất hợp lý, nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Bên cạnh đó, sinh viên được trang bị các kỹ năng chuyên môn như: Kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin và thiết bị hiện đại trong phân tích đất, nước, phân bón, trồng trọt và xây dựng các loại bản đồ sử dụng đất; kỹ năng điều tra, thu thập, xử lý thông tin, bố trí thí nghiệm; kỹ năng thực hiện thành thạo các nghiệp vụ hành chính, pháp lý liên quan đến lĩnh vực khoa học đất…

Về đội ngũ giảng viên và cán bộ phục vụ giảng dạy, khoa Tài nguyên và Môi trường, Học viện Nông nghiệp Việt Nam có 84 giảng viên, trong đó 01 Giáo sư, 15 Phó giáo sư, 41 Tiến sỹ, 27 Thạc sỹ. Trên 60% số giảng viên hiện nay được đào tạo từ các nước phát triển. Đội ngũ giảng viên, cán bộ có trình độ cao, tâm huyết với nghề, không chỉ giỏi chuyên môn, mà còn tích cực tham gia nghiên cứu khoa học, đấu thầu và thực hiện thành công nhiều đề tài các cấp, công bố hàng trăm bài báo trên các tạp chí trong nước và quốc tế.

Cơ sở vật chất : theo học ngành Khoa học đất, sinh viên được học tập trong một ngôi trường xanh, sạch, đẹp nhất thủ đô với hệ thống cơ sở vật chất khang trang, gồm các phòng học, phòng thực hành, thực tập hiện đại như: phòng thực hành tin học, viễn thám, các phòng thí nghiệm về đất và dinh dưỡng cây trồng, phòng thí nghiệm ISO có khả năng phân tích các chỉ tiêu cơ bản và chuyên sâu về đất, nước, phân bón, cây trồng…. Khu thí nghiệm đồng ruộng, hệ thống nhà lưới phục vụ việc thí nghiệm 

Hệ thống học liệu phục vụ việc học tập và nghiên cứu khoa học của sinh viên rất đa dạng, phong phú với đầy đủ các giáo trình, bài giảng, sách tham khảo và kho tư liệu số.

Ngoài ra trong thời gian thực tập nghề nghiệp sinh viên ngành Khoa học đất còn được tham quan, học tập tại các trung tâm, trạm nghiên cứu và phòng thí nghiệm của các viện nghiên cứu: Viện Thổ nhưỡng Nông hoá, Viện KHKT Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc,…

Nếu bạn yêu thích ngành Khoa học đất, hãy đăng ký vào Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Thông tin liên hệ

Điện thoại: 024 6261 7578,  0961 926 639, 0961 926 939

Website: www.vnua.edu.vn

Facebook: www.facebook.com/tuyensinhvnua.edu.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.