Quản lý và phát triển nguồn nhân lực là một trong 7 ngành đào tạo của Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn – Học viện Nông nghiệp Việt Nam giúp người học hiện thực hoá ước mơ trở thành các chuyên gia nhân sự giỏi và các nhà quản lý, lãnh đạo tài ba.
Nguồn nhân lực có vai trò quan trọng, quyết định đối với sự tồn tại và phát triển của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và có ảnh hưởng lớn tới sự phát triển kinh tế và xã hội. Đây là nguồn lực đóng vai trò then chốt, là động lực cho sự phát triển, là nòng cốt cho mọi nguồn sáng tạo trong tổ chức. Ngày nay, khi nền kinh tế đang dần chuyển sang kinh tế tri thức thì vai trò của nguồn nhân lực ngày càng được đề cao hơn so với các nguồn lực khác. Vì vậy, quản lý và phát triển nguồn nhân lực trong các đơn vị, tổ chức là vô cùng cần thiết để phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của nguồn lực này phục vụ cho sự phát triển ngày càng mạnh mẽ hơn của đơn vị, tổ chức. Quản lý và phát triển nguồn nhân lực là một trong bảy ngành đào tạo của Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn – Học viện Nông nghiệp Việt Nam giúp người học hiện thực hoá ước mơ trở thành các chuyên gia nhân sự giỏi và các nhà quản lý, lãnh đạo tài ba.
Cử nhân ngành Quản lý và phát triển nguồn nhân lực làm việc ở đâu?
Cử nhân ngành Quản lý và phát triển nguồn nhân lực được đào tạo tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam sau khi tốt nghiệp có đủ trình độ và năng lực để công tác tại các vị trí sau:
– Cán bộ, công chức, nhân viên về quản lý nhân sự, quản lý lao động, chuyên viên tuyển dụng và chính sách đãi ngộ, chuyên viên đào tạo nhân sự, chuyên viên bảo hiểm, chuyên viên quan hệ lao động xã hội tại các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp.
– Giảng viên, chuyên gia, cán bộ nghiên cứu về quản lý và phát triển nguồn nhân lực, quản lý lao động tại các trường đại học, cao đẳng, viện, trung tâm nghiên cứu.
– Cán bộ quản lý, cán bộ tư vấn liên quan tới phát triển nguồn nhân lực trong các tổ chức phi chính phủ hoạt động vì mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, phát triển con người.
– Làm chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
Sinh viên ngành Quản lý và phát triển nguồn nhân lực học gì?
Tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, chương trình đào tạo cử nhân ngành Quản lý và phát triển nguồn nhân lực ở bậc Đại học trang bị cho người học những kiến thức cơ bản và chuyên sâu về khoa học quản lý và phát triển nguồn nhân lực, bao gồm:
– Các chính sách vĩ mô về quản lý nguồn nhân lực;
– Những nguyên tắc điều hành, quản lý nhân sự;
– Các kiến thức liên quan đến tuyển dụng, đào tạo, sử dụng và đánh giá nhân sự;
– Chính sách chi trả tiền công, tiền lương, bảo hiểm;
– Các công cụ nghiên cứu thị trường lao động để hoạch định, tổ chức, thực hiện chiến lược và kế hoạch phát triển nguồn nhân lực cho tổ chức, doanh nghiệp.
Có thể nói, ngành Quản lý và phát triển nguồn nhân lực đào tạo nên những chuyên gia có kiến thức về quản lý, có khả năng phát triển và tối ưu hoá nguồn nhân lực trong tổ chức, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức xã hội, chính phủ và các lĩnh vực khác.
Trong quá trình đào tạo tại Học viện, ngoài kiến thức chuyên môn, sinh viên cũng được trang bị các kỹ năng và năng lực như:
– Kỹ năng làm việc nhóm và lãnh đạo nhóm;
– Kỹ năng thuyết trình, phản biện, viết luận;
– Giao tiếp hiệu quả đa phương tiện, đa văn hóa với các bên liên quan và đọc hiểu, giao tiếp tiếng Anh chuyên ngành;
– Sử dụng công nghệ thông tin, các thiết bị hiện đại, phần mềm chuyên ngành phục vụ hiệu quả công tác quản lý và phát triển nguồn nhân lực;
– Hình thành năng lực tự chủ và tự chịu trách nhiệm, hình thành đạo đức nghề nghiệp và ý thức tuân thủ pháp luật.
– Cử nhân tốt nghiệp ngành Quản lý và phát triển nguồn nhân lực có thể học tập nâng cao lên trình độ thạc sĩ/ tiến sĩ Quản lý kinh tế, Quản trị kinh doanh, Kinh tế phát triển, Quản trị nhân lực…
Đội ngũ giảng viên
Chương trình đào tạo được giảng dạy bởi đội ngũ giáo viên tận tình, chu đáo, có trình độ chuyên môn cao, tâm huyết và giàu kinh nghiệm. Học viện có gần 100 giảng viên được phong hàm giáo sư, phó giáo sư; hơn 360 giảng viên có học vị tiến sĩ; nhiều giảng viên được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú, giải thưởng Kovalevskaya,… Đặc biệt, trên 90% giảng viên của Học viện được đào tạo ở các nước có nền khoa học tiên tiến trong khu vực và trên thế giới như: Hoa Kỳ, Úc, Nhật Bản, Hà Lan, Đức…
Cơ sở vật chất của Học viện Nông nghiệp Việt Nam
Sinh viên khi theo học ngành Quản lý và phát triển nguồn nhân lực tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam được nghiên cứu, học tập trong ngôi trường hơn 67 năm xây dựng và phát triển với hệ thống trang thiết bị hiện đại như: phòng học thông minh, phòng máy tiên tiến, khu liên hợp thể thao, ký túc xá, thư viện hiện đại. Sinh viên được học trong các giảng đường có trang bị điều hòa, máy chiếu, wifi… Thư viện trung tâm có diện tích 2.000 m2, với trên 30.000 đầu sách, hơn 100 đầu báo, tạp chí các loại, 15 cơ sở dữ liệu trực tuyến. Ngoài ra, sinh viên được rèn luyện thể chất tại sân vận động và Trung tâm Giáo dục Thể chất và Thể thao rộng 5.000 m2.
Cơ hội học bổng
Học viện dành gần 30 tỷ đồng hàng năm để cấp học bổng khuyến khích học tập cho sinh viên có kết quả học tập, kết quả rèn luyện đạt từ loại khá trở lên. Ngoài ra, Học viện hợp tác với hơn 100 doanh nghiệp để cấp gần 3 tỷ đồng/1 năm học bổng tài trợ cho sinh viên tài năng, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Trong năm 2024, Học viện dành 1760 suất học bổng chào đón tân sinh viên khóa 69 với tổng giá trị 28,8 tỷ đồng, trong đó có 03 suất học bổng du học nước ngoài tại Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Tây Nam, Trung Quốc. Bên cạnh đó, sinh viên có cơ hội tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học, các chương trình trao đổi sinh viên quốc tế và hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao và tình nguyện vì cộng đồng.
Học viện Nông nghiệp Việt Nam nói chung và Khoa Kinh tế và Phát triển Nông thôn nói riêng đã ký kết hợp tác với nhiều cơ quan, doanh nghiệp như: Công ty thực phẩm DOVECO, Công ty VinEco, Công ty AgriCare, Công ty GreenViet, Công ty cổ phần Thức ăn Chăn nuôi, Viettinbank, Vinaseed, Công ty Cổ phần Nicotex… để trao học bổng cho sinh viên tài năng, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, hướng dẫn sinh viên tham quan, thực hành, thực tập và bố trí việc làm cho sinh viên khi tốt nghiệp.