Seminar khoa học “Vi sinh vật có khả năng phân huỷ hoá chất bảo vệ thực vật gốc Clo – Kết quả bước đầu về phân lập, tuyển chọn”

Ngày 29/5/2023, TS.Đinh Hồng Duyên đã trình bày bài báo cáo “Vi sinh vật có khả năng phân huỷ hoá chất bảo vệ thực vật gốc Clo – Kết quả bước đầu về phân lập, tuyển chọn” trong buổi sinh hoạt chuyên môn của nhóm nghiên cứu mạnh Công nghệ sinh học Nông nghiệp và Môi trường.

TS. Đinh Hồng Duyên trình bày nghiên cứu
TS. Đinh Hồng Duyên trình bày nghiên cứu 

Bài báo cáo đã tổng quan về Hoá chất bảo vệ thực vật (HCBVTV) gốc Clo hữu cơ và những nghiên cứu, ứng dụng vi sinh vật trong xử lý HCBVTV gốc Clo hữu cơ. HCBVTV gốc Clo hữu cơ thuộc nhóm HCBVTV tổng hợp, là những hợp chất mà trong cấu trúc phân tử của chúng có chứa một hoặc nhiều nguyên tử Clo liên kết với nguyên tử Cacbon (điển hình là DDT, DDE, Lindan, Endosulfan, Aldrin, BHC,..). Hầu hết các loại HCBVTV thuộc nhóm này có độ độc ở mức độ I hoặc II, đã bị cấm sử dụng vì chúng là các chất hữu cơ khó phân huỷ (POP), tồn lưu lâu trong môi trường. Công ước Stockholm cũng quy định về việc giảm thiểu và loại bỏ các loại hóa chất bảo vệ thực vật, đa phần thuộc nhóm clo hữu cơ này. Trong các hợp chất trên DDT và Lindane là hai loại HCBVTV được sử dụng nhiều nhất tại Việt Nam trong những năm 1960-1993. Nghiên cứu hiện nay trên thế giới và Việt Nam tập trung vào nhóm DDT và Lindane cho thấy khả năng phân hủy sinh học được tìm thấy ở nhiều loại vi sinh vật thuộc chủng khác nhau như: Aerobacter, Alcaligenes, Bacillus, Chrysobacterium, Enterobacterium, Pseudomonas, Aspergillus, Fusarium, Penicillium, Boletus,… Hoạt động phân huỷ sinh học đạt được là do các vi sinh vật tiết ra các enzyme ngoại bảo trong điều kiện hiếu khí hoặc yếm khí. Kết quả nghiên cứu bước đầu của nhóm cho thấy: Từ 22 mẫu đất được lấy tại 03 điểm ô nhiễm do tồn lưu HCBVTV clo hữu cơ trên địa bàn huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An, đã phân lập được 23 chủng vi khuẩn có khả năng mọc trên môi trường có HCBVTV gốc clo hữu cơ. Đã tuyển chọn được hai chủng 2.5 và 3.2, có vòng phân huỷ HCBVTV lớn, sinh trưởng tốt ở các ngưỡng nhiệt độ khác nhau và  sinh trưởng mạnh nhất ở 30oC. Khả năng thích ứng pH rộng 4-8; khả năng kháng kháng sinh  tốt (300-1000mg/l).

Sau báo cáo, các thành viên của nhóm đã thảo luận và nhận thấy đây là hướng nghiên cứu có ý nghĩa thực tiễn cao, các chủng tuyển chọn cần tiếp tục định danh bằng phương pháp sinh học phân tử và đánh giá đặc tính sinh học khác; tiến hành nghiên cứu sản xuất các chế phẩm vi sinh và đánh giá khả năng xử lý đất ô nhiễm do tồn lưu HCBVTV clo hữu cơ của chế phẩm trong điều kiện thực tế.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.