Seminar chuyên đề” Quản lý, sử dụng đất nông nghiệp phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn”

Ngày 12 tháng 6 năm 2023 Nhóm NCM – Quy hoạch không gian lãnh thổ sử dụng đất và môi trường; Bộ môn Quy hoạch đất, khoa Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức Seminar khoa học “ Quản lý, sử dụng đất nông nghiệp phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn” do PGS.TS Nguyễn Quang Học trình bày.

Tham dự Seminar gồm các thành viên nhóm NCM, cùng các thầy cô giáo và sinh viên, NCS của bộ môn trong khoa Tài nguyên và Môi trường.

PGS.TS Nguyễn Quang Học trình bày báo cáo

Trong phần mở đầu tác giả đã trình bày quan điểm  Quản lý và sử dụng đất đó là quá trình thực hiện chính sách về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp nhằm khuyến khích tập trung, tích tụ đất đai trong bối cảnh CNH-HĐH đất nước, đây là vấn đề thu hút sự quan tâm nghiên cứu, trao đổi của các nhà quản lý, hoạch định chính sách; các nhà khoa học, giới nghiên cứu ở trong Học viện Nông nghiệp nói riêng và đất nước ta nói chung.

 Phần nội dung, các vấn đề được thảo luận gồm : 

Đánh giá quản lý và sử dụng đất nông nghiệp tiếp cận từ khía cạnh tích tụ, tập trung đất đai

  Quản lý, sử dụng đất theo Nghị Định 64/CP về giao đất nông nghiệp

Ở nước ta, đổi mới cơ chế quản lý đất đai bắt đầu từ việc đổi mới chính sách quản lý, sử dụng đất nông nghiệp bằng việc giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá  nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp. Trong thời kỳ tập trung quan liêu bao cấp trước đây, đất nông nghiệp chủ yếu do các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất nông nghiệp, các nông trường v.v quản lý và sử dụng thì hiện nay, trong nền kinh tế thị trường, hộ gia đình, cá nhân là người sử dụng đất nông nghiệp ổn định, lâu dài. Thực tiễn trong những năm qua đã được tổng kết và ghi nhận trong Chỉ thị số 100/CT- TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng ngày 13/01/1981 “Về cải tiến công tác khoán, mở rộng khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động trong hợp tác xã nông nghiệp” và Nghị quyết số 10/NQ-TW của Bộ Chính trị ngày 05/04/1988 “Về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp”. Nó được thể chế hóa trong Luật Đất đai năm 1993 và Nghị định số 64/CP ngày 27/09/1993 của Chính phủ (Nghị  định 64/CP) về giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp.

(i) Mặt tích cực về giao đất nông nghiệp cho thấy:

– Thực hiện chính sách giao đất nông nghiệp để sử dụng ổn định lâu dài đã gắn bó người nông dân với đất đai. Họ được làm chủ thực sự đối với đất nông nghiệp và ngày càng nhận thức được vị trí, vai trò của đất nông nghiệp; trên cơ   đó tạo động lực thúc đẩy sự sáng tạo, chủ động và khuyến khích đầu tư lâu dài vào đất nông nghiệp, năng suất lao động nông nghiệp được nâng cao.

– Thực hiện chính sách giao đất nông nghiệp đó là trả lại đất đai về với người lao động, thực hiện mơ ước ngàn đời của người nông dân “Người cày có ruộng” và hiện thực hóa quan điểm, chính sách của Đảng và         Nhà nước bảo đảm cho người trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng  thủy sản và làm muối có đất để sản xuất. Đồng thời, góp phần củng cố khối liên minh công – nông dưới sự lãnh đạo của Đảng.

– Thực hiện chính sách giao đất nông nghiệp góp phần phát triển mô hình kinh tế trang trại, khai thác tiềm năng thế mạnh về đất đai, sức lao động và tạo sự chuyển dịch cơ cấu sản xuất, phân công lại lao động trong nông nghiệp.

– Thực hiện chính sách giao đất nông nghiệp góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng tỷ suất lợi nhuận đầu tư/1ha đất   nông nghiệp; thúc đẩy quá trình khai hoang, phục hóa và phủ xanh đất trống, đồi núi  trọc v.v.

(ii) Thách thức về giao đất nông nghiệp cho thấy:

– Thực hiện chính sách giao đất nông nghiệp theo kiểu bình quân, cào bằng chỉ phù hợp trong giai đoạn đầu khi nước ta chuyển đổi từ nền kinh tế quản lý theo cơ chế tập trung quan liêu bao cấp kế hoạch hóa cao độ sang nền kinh tế hàng hóa vận hành theo cơ chế thị trường; khi mà sản xuất nông nghiệp phát triển ở trình độ thấp chưa phải là nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa. Bởi lẽ, chính sách giao đất này làm cho tình trạng sử dụng ruộng đất bị phân tán, manh mún nên không có điều kiện áp dụng cơ giới hóa, đưa máy móc vào sản xuất nông nghiệp; năng suất lao động trong khu vực nông nghiệp không được nâng cao và đời sống của người nông dân không được cải thiện.

– Chính sách giao đất nông nghiệp theo kiểu bình quân, cào bằng chỉ đảm bảo nguyên tắc công bằng, đảm bảo cho người trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản và làm muối có đất sản xuất tại thời điểm giao đất nhưng tiềm ẩn nguy cơ tranh chấp đất trong cộng đồng người dân ở khu vực nông thôn. Đối với những đối tượng sinh ra sau thời điểm giao đất sẽ không được giao đất do không còn đất nông nghiệp để giao. Hơn nữa chính sách giao đất này đưa đến tình trạng đất đai không được điều chỉnh theo biến động nhân khẩu trong quá trình sử dụng đất; bởi lẽ, trong quá trình sử dụng đất có hộ gia đình có thành viên chết hoặc chuyển đổi nghề nghiệp từ sản xuất nông nghiệp sang làm trong khu vực nhà nước, làm trong các doanh nghiệp v.v. nhưng không bị rút bớt diện tích đất nông nghiệp. Các hộ này sử dụng đất nông nghiệp không hết nên đem cho mượn, cho thuê lại… Ngược lại, một số hộ gia đình tăng thêm nhân      khẩu do sinh đẻ hoặc con cái lập gia đình… trở nên thiếu đất sản xuất vì địa phương không còn đất nông nghiệp để giao tiếp.

(ii) Đề xuất một số giải pháp hoàn thiện chính sách giao đất nông nghiệp

– Tuyên truyền, khuyến khích và động viên các hộ gia đình, cá nhân tự nguyện   chuyển đổi ruộng đất cho nhau để khắc phục tình trạng manh mún về đất nông nghiệp  theo hướng giảm số lượng các thửa đất nông nghiệp và tăng diện tích của từng thửa đất.

– Tập trung thực hiện chính sách phát triển đa dạng hóa các ngành nghề sản xuất phi nông nghiệp ở nông thôn, thúc đẩy một số ngành dịch vụ, thương mại, thủ công truyền thống phát triển…

– Thực hiện quyết liệt chính sách sinh đẻ có kế hoạch; giảm tỷ lệ sinh và vận động các cặp vợ chồng áp           dụng các biện pháp kế hoạch hóa gia đình để tránh gây áp lực về dân số ở khu vực nông thôn.

– Thực hiện chính sách hỗ trợ khuyến học, động viên các thế hệ trẻ ở nông thôn ra sức học tập, thoát ly, tìm kiếm việc làm ở khu vực đô thị, các khu công nghiệp  và đi xuất khẩu lao động v.v để giảm bớt áp lực về nhu cầu việc làm trong khu vực nông nghiệp.

– Xây dựng và thực hiện cơ chế xã hội hóa thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế vào việc đào tạo, chuyển đổi ngành nghề cho người lao động ở nông thôn; đi đôi với việc Nhà nước đầu tư triển khai chính sách dạy nghề, tìm kiếm việc làm cho thanh niên nông thôn.

– Áp dụng phương thức kinh doanh tổng hợp trong sản xuất nông nghiệp nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của đất đai và hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung.

– Chú trọng, thực hiện chính sách đầu tư ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ hiện đại trong việc thâm canh, tăng vụ, đẩy mạnh tăng trưởng xanh và áp dụng quy trình sản xuất sạch trong nông nghiệp; nâng cao hiệu suất đầu tư trên một đơn vị diện tích đất và cải thiện năng suất lao động nông nghiệp v.v.

Quản lý, sử dụng đất theo chính sách “dồn điền đổi thửa” đất nông nghiệp

Vấn đề giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu   dài mang tính bình quân theo Nghị định 64/CP đảm bảo được sự bình đẳng, ổn định, đoàn kết trong nội bộ nhân dân; song làm cho ruộng đất sử dụng phân tán, manh mún . một số vấn đề sau dồn điền đổi thửa gồm:

– Về giải quyết số lao động dôi dư sau quá trình dồn điền, đổi thửa. chuyển đổi ruộng đất thông qua dồn điền, đổi thửa giữa các hộ gia đình, cá nhân với nhau dẫn đến số lượng các thửa đất giảm và làm tăng diện tích từng thửa đất, góp phần tích tụ, tập trung đất nông nghiệp. Điều này tạo thuận lợi cho việc đưa cơ giới hóa, áp dụng khoa học công nghệ hiện đại vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng suất lao động và giảm chi phí đầu vào của quá trình sản xuất nông nghiệp. Song số lao động nông nghiệp dôi dư sau dồn điền đổi thửa rơi vào tình trạng thất nghiệp không có công ăn việc làm; đời sống gia đình gặp khó khăn.

–  Giải quyết thị trường đầu ra cho sản phẩm hàng hóa nông nghiệp. Tích tụ, tập trung đất nông nghiệp thông qua thực hiện chính sách dồn điền đổi thửa sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình CNH-HĐH nông nghiệp và hình thành những khu vực sản xuất nông nghiệp hàng hóa, tập trung. Kết quả là lượng sản phẩm nông nghiệp sản xuất ra ngày càng nhiều. Vấn đề đặt ra là phải giải quyết bài toán đầu ra cho nông sản hàng hóa. Đây là căn bệnh trầm kha kéo dài trong nhiều năm qua. Hàng năm, chúng ta vẫn phải chứng kiến cảnh người nông dân “được mùa rớt giá”. Bên cạnh đó, Nhà nước cần phải phát triển mạnh mẽ công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản hàng hóa sau thu hoạch nhằm hỗ trợ người nông dân. Do sự phát triển yếu kém của ngành công nghiệp này mà hàng hóa nông sản của Việt Nam thường có giá trị thấp trên thị trường thế giới và bị nông sản của các nước khác cạnh tranh; thậm chí nông sản nước ta bị thua ngay trên sân nhà.

 Về nguồn vốn chi cho công tác đo vẽ, chỉnh lý bản đồ địa chính, sổ sách địa chính và cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau khi thực hiện dồn điền, đổi thửa.

– Tâm lý của người nông dân e ngại không muốn dồn điền đổi thửa một cách triệt để; bởi lẽ, thực hiện việc này một cách triệt để sẽ tiềm ẩn nguy cơ rủi ro trong sản xuất nông nghiệp. Theo điều tra, phỏng vấn trực tiếp của chúng tôi tại một thôn của huyện Thuận Thành (tỉnh Bắc Ninh) đối với các hộ gia đình thực hiện dồn điền đổi thửa, người nông dân nhận thức được ích lợi của việc làm này mang lại, tuy nhiên, họ chỉ muốn giảm số lượng từ 07 – 10 mảnh ruộng/hộ xuống còn từ 03 – 04 mảnh mà không muốn đổi thành 01 mảnh ruộng; bởi lẽ, nếu đổi từ 07 – 10 mảnh xuống còn 01 mảnh ruộng ở vị trí cao thì gặp năm mưa ít sẽ bị hạn hán và có nguy cơ mất mùa. Ngược lại, nếu đổi lấy 01 mảnh ruộng ở vị trí thấp thì những năm có nhiều mưa bão, lũ lụt cũng sẽ tiềm ẩn nguy cơ mất mùa.

 Một số địa phương, cán bộ xã cũng không muốn thực hiện dồn điền đổi thửa một cách triệt để. Bởi lẽ, dồn điền đồi thửa thì phải tiến hành đo vẽ, chỉnh lý lại hồ sơ địa chính mà qua đó sẽ dễ bị phát hiện những diện tích đất nông nghiệp được địa phương để ngoài sổ sách, không khai báo và sử dụng cho các mục đích riêng…

Khuyến nghị giải pháp hoàn thiện chính sách dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp

– Tiếp tục thực hiện tuyên truyền, phổ biến về chính sách dồn điền đổi thửa sâu rộng tới các hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp để họ thấy được mục đích, ý nghĩa và ích lợi của chính sách này mang lại. Trên cơ sở đó, vận động, khuyến khích hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp tự nguyện chuyển đổi ruộng đất cho nhau nhằm khắc phục tình trạng sử dụng đất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún, phân tán.

– Nhà nước cần triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ cho nông dân về giống, hướng dẫn ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất nông nghiệp; tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm nông sản hàng hóa và đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến sau thu hoạch.

– Thực hiện chính sách phát triển, mở rộng các ngành nghề dịch vụ ở khu vực  nông thôn nhằm thu hút số lao động dôi dư khi thực hiện dồn điền đổi thửa vào làm việc; đi đôi với đầu tư vốn đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp và chú trọng xuất khẩu lao động cho khu vực nông thôn nhằm giải quyết việc làm cho người nông dân.

– Nhà nước cần bố trí một nguồn vốn hỗ trợ các địa phương trong việc đo vẽ, chỉnh lý hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân sau khi thực hiện dồn điền đổi thửa.

– Tăng cường thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện và xử lý nghiêm minh việc chính quyền một số địa phương để lại quỹ đất nông nghiệp sử dụng cho mục đích công ích nằm ngoài sổ sách và đang sử dụng không đúng quy định của pháp luật v.v.

Giải pháp hoàn thiện chính sách quản lý, sử dụng đất nông nghiệp nhằm khuyến khích tích tụ, tập trung đất đai trong bối cảnh công CNH-HĐH nông nghiệp.

–  Sửa đổi, bổ sung quy định về hạn mức sử dụng đất nông nghiệp theo hướng không nên quy định về hạn mức giao đất, cho thuê đất nông nghiệp mà thay thế bằng việc bổ sung quy định chính sách thuế để điều chỉnh quy mô sử dụng đất nông nghiệp.

– Nhà nước cần bổ sung quy định các trường hợp cụ thể thu hồi đất nông nghiệp để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; cụ thể quy định rõ.

– Sửa đổi, bổ sung Điều 191 Luật Đất đai năm 2013 theo hướng cho phép các tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân trong nước không trực tiếp sản xuất nông nghiệp được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa đi kèm điều kiện  như phải có kế hoạch sử dụng đất cụ thể, phải đảm bảo sử dụng đúng mục đích đất nông nghiệp, phải đảm bảo quy trình sản xuất nông nghiệp, phải có trụ sở hoặc chi nhánh của doanh nghiệp gần vùng sản xuất …

– Thúc đẩy quá trình tích tụ, tập trung ruộng đất cho sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn cần thực hiện theo hướng:

+) Các hộ nông dân liên kết ruộng đất với nhau trong các hình thức hợp tác xã thành vùng sản xuất hàng hóa lớn. Đây là hình thức các hộ nông dân vẫn có quyền sử dụng ruộng đất riêng biệt, hoặc góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp; liên kết với nhau ở những cấp độ khác nhau, hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn.

+) Tích tụ ruộng đất cho các hộ nông dân sản xuất hàng hóa hiệu quả với các quy mô khác nhau trong các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Ở hình thức này, quyền sử dụng ruộng đất được tích tụ vào các hộ nông dân sản xuất hiệu quả thông qua quá trình mua bán, sang nhượng, hay thuê quyền sử dụng ruộng đất có thời hạn, hay lâu dài.

+) Các hộ nông dân liên kết với các doanh nghiệp hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn. Trong mô hình này, quyền sử dụng ruộng đất vẫn thuộc các hộ nông dân, nhưng mục đích sử dụng ruộng đất (mục đích sản xuất) đã có sự thống nhất giữa các hộ nông dân với nhau và với doanh nghiệp. Trong quá trình phát triển, mô hình tập trung ruộng đất này thường có sự tham gia của một chủ thể quan trọng nữa là các hợp tác xã. Các hợp tác xã là cầu nối hữu cơ giữa các hộ nông dân với các doanh nghiệp.

+) Cần khuyến khích và ưu tiên tích tụ ruộng đất cho phát triển nông nghiệp theo  chiều sâu; từng bước hạn chế tích tụ ruộng đất phát triển nông nghiệp theo chiều rộng.Ban hành các quy định để loại bỏ tình trạng tích tụ, tập trung và sử dụng ruộng đất theo kiểu “đầu cơ” , theo kiểu “phát canh thu tô”.

– Đảng và Chính phủ cần đưa ra các quan điểm, mục tiêu, nguyên tắc, định hướng và khung chính sách chung về vấn đề tích tụ, tập trung ruộng đất để phát triển nền nông nghiệp hàng hóa hiện đại, hiệu quả. Đồng thời, cần khẩn trương hoàn thiện khung pháp lý cho việc lưu chuyển ruộng đất trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa, nhất là về chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, mua bán, thừa kế, thế chấp, ủy thác canh tác, góp vốn bằng quyền sử dụng ruộng đất, hạn điền, thay đổi mục đích sử dụng ruộng đất trong khuôn khổ sản xuất nông nghiệp, quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa…Trên cơ sở đó cần xây dựng các đề án cụ thể, phù hợp đối với điều kiện đất đai, điều kiện kinh tế – xã hội, trình độ sản xuất, lĩnh vực sản xuất…của từng  khu vực, địa phương.

 Sau phần trình bày của tác giả, các thành viên trong nhóm, các thầy cô và học viên, NCS đã có những trao đổi liên quan đề chuyên đề được đề cập và khảng định nghiên cứu có ý nghĩa rất thiết thực về lý luận và thực tiễn trong lúc đang góp ý sửa luật đất đai năm 2013, có ý nghĩa đối với đào tạo ngành Quản lý đất đai, tham khảo cho viết thông tin sách, nghiên cứu của học viên, NCS ngành Quản lý đất đai.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.